Đồng Nai đón sóng đầu tư bất động sản
Hiện nay, Đồng Nai đang được đánh giá là nơi có sức hút về bất động sản (BĐS) lớn nhất khu vực Đông Nam bộ. 2 lĩnh vực doanh nghiệp (DN) chú ý nhất là BĐS về công nghiệp và đất ở.
* “Nóng” với BĐS công nghiệpTheo UBND tỉnh, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ quy hoạch trên 6,5 ngàn ha đất cho phát triển công nghiệp và gần 9,2 ngàn ha để phát triển dự án khu dân cư, khu đô thị. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện nhanh công tác quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 để mời gọi đầu tư.
Hiện nay, rất nhiều DN muốn đầu tư vào BĐS công nghiệp ở Đồng Nai, vì đây là nơi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đến thuê đất trong các khu công nghiệp để đầu tư nhà xưởng, sản xuất công nghiệp. Thời gian qua, khá đông DN đã đến tỉnh tìm hiểu về chính sách, đất đai, quy hoạch với dự tính xin cấp phép làm hạ tầng khu công nghiệp ở các địa phương trong tỉnh. Các huyện, thành phố cũng đang tiến hành lấy ý kiến đưa quy hoạch đất công nghiệp vào trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 trình tỉnh để thông qua vào cuối năm 2020. Như vậy, đầu năm 2021, UBND tỉnh sẽ thực hiện hồ sơ đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ phê duyệt, đưa vào quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tiến hành thành lập khu công nghiệp và mời gọi nhà đầu tư làm hạ tầng kỹ thuật.
Vấn đề mà nhiều người dân Đồng Nai quan tâm là tỉnh quy hoạch, cấp phép gần 300 dự án khu dân cư, trong đó có những dự án được cấp phép 8-10 năm vẫn còn dang dở chưa thành hình như cam kết ban đầu của nhà đầu tư. Các dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế của các địa phương và của tỉnh. |
Có 3 địa phương trong tỉnh hạn chế phát triển khu công nghiệp mới là TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch và H.Xuân Lộc. Còn lại hầu hết các địa phương đều đề xuất quy hoạch mới hoặc mở rộng thêm khu công nghiệp. Trong đó, địa phương đề xuất phát triển nhiều đất công nghiệp nhất là H.Long Thành. Dự tính H.Long Thành quy hoạch thêm 4 khu công nghiệp là Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình An, Khu công nghiệp Phước Bình 2, 3,4 với diện tích gần 2,5 ngàn ha.
Ông Vũ Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: “BĐS công nghiệp tại Đồng Nai đang được nhiều DN quan tâm và muốn đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp để cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại. Đồng Nai là tỉnh phát triển BĐS công nghiệp sớm, kéo dài và tương đối bền vững. Các DN nhìn thấy dư địa, tiềm năng đầu tư lĩnh vực này còn lớn, đặc biệt khi sân bay xây dựng và các cao tốc xây dựng xong đưa vào khai thác”. Cũng theo ông Đính, hiện nhiều nhà máy từ Trung Quốc đã dịch chuyển sang các nước trong khối ASEAN, Việt Nam là nước được chọn lựa nhiều. Đồng Nai cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhiều DN nước ngoài đầu tư vào sản xuất công nghiệp.
Bà Vũ Thị Ngoan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vũ Minh Phúc (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên tư vấn, giới thiệu địa điểm đầu tư, thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam. Đồng Nai là nơi có nhiều DN trong nước, nước ngoài tìm hiểu để thuê đất, nhà xưởng trong các khu công nghiệp sản xuất”. Tuy nhiên theo bà Ngoan, quỹ đất công nghiệp của Đồng Nai hiện còn rất ít, nhiều DN nước ngoài muốn thuê diện tích lớn không có, công ty buộc phải giới thiệu qua Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Từ đầu năm đến nay, dù xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng vẫn có những DN từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đến thuê nhà xưởng, lắp ráp dây chuyền máy móc, đưa vào sản xuất hàng hóa để tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trong hơn 11 tháng của năm 2020, các khu công nghiệp của tỉnh thu hút 83 dự án đầu tư mới. Trong đó, có 60 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 283 triệu USD và 23 dự án vốn đầu tư trong nước, tổng vốn 1.921 tỷ đồng. Dự tính năm 2020, có gần 190 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện giải ngân vốn với tổng vốn khoảng 1 tỷ USD, đạt 125% so với kế hoạch cả năm (kế hoạch cả năm 2020 là 800 triệu USD).
* Dự án khu đô thị hấp dẫn nhà đầu tư
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước có dấu hiệu trầm lắng. Khách hàng mua đất nền, căn hộ giảm mạnh, nhiều dự án liên tục đưa ra các chính sách khuyến mãi để kích cầu, nhưng thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, tại Đồng Nai các dự án khu đô thị, khu dân cư lại khá sôi động. Các tập đoàn, DN sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn lên đến cả ngàn tỷ đồng để sở hữu những khu đất “vàng” tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dự án BĐS đất nền, căn hộ.
Tương tự, vào cuối tháng 11 vừa qua, khu đất 21,3ha ở P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) có giá khởi điểm 659 tỷ đồng cũng đã tìm được chủ sở hữu. Công ty CP Bất động sản Mỹ (Hà Nội) đã trả giá gần 1.230 tỷ đồng để mua mảnh đất trên. DN này dự tính sẽ bỏ ra gần 1 ngàn tỷ đồng xây dựng nhà ở liên kế, biệt thự, nhà chung cư cao khoảng 17 tầng.Cuối tháng 11-2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 2 khu đất “vàng” tại H.Long Thành và TP.Long Khánh được 2.855 tỷ đồng. Trong đó có khu đất khoảng 23,4ha tại xã Bình Sơn (H.Long Thành) được quy hoạch khu dân cư, giá khởi điểm là 914 tỷ đồng. Công ty CP Bất động sản STC Golden Land (Hà Nội) đã bỏ ra số tiền 1.626 tỷ đồng để sở hữu khu đất trên. Như vậy, khu đất trên bán với giá gần 69,5 tỷ đồng/ha.
Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cho biết, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã đưa ra đấu giá nhiều khu đất công để lấy vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Nhiều khu đất tại H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh đã được các DN trả giá cao, lên đến trên 1 ngàn tỷ đồng để mua và đầu tư khu dân cư, khu đô thị. Đơn cử như: Tập đoàn Đất Xanh bỏ ra hơn 3 ngàn tỷ đồng mua khu đất hơn 90ha ở xã Long Đức (H.Long Thành) và đang tiến hành xây dựng khu dân cư.
Bên cạnh đó, nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh sau nhiều năm “im lìm” thì từ năm 2019 bắt đầu khởi động trở lại. Hàng loạt thương vụ mua bán, sang nhượng dự án bằng nhiều hình thức khác nhau cũng diễn ra sôi động ở nhiều địa phương trong tỉnh như: TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Long Thành, H.Trảng Bom.
Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở TN-MT) đánh giá: “Các dự án hạ tầng giao thông của quốc gia, vùng, tỉnh được đầu tư xây dựng đã giúp cho đất đai của Đồng Nai có giá trị và thu hút nhiều DN đầu tư vào dự án đất ở. Những khu đất có diện tích lớn, giao thông thuận lợi đưa ra đấu giá thường bán được giá cao”.
Gần 2 năm qua, các khu đất công có diện tích lớn, nằm ở những vị trí đắc địa trên địa bàn tỉnh được quy hoạch thành khu dân cư khi đưa ra đấu giá đều bán được giá cao gấp
1,5-2 lần so với giá khởi điểm. Các DN sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn mua những khu đất “vàng” tại Đồng Nai để thực hiện các dự án khu dân cư vì không phải bồi thường giải phóng mặt bằng, các thủ tục cũng đơn giản hơn. Như vậy, chủ đầu tư dự án sẽ nhanh chóng có sản phẩm đưa ra thị trường và thu hồi vốn.
Các bài viết khác
- Trong tháng 12-2020 sẽ khởi công hạng mục đầu tiên của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (08.12.2020)
- Các phương án tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng đến các cơ sở quản lý địa phương, doanh nghiệp và người dân (01.12.2020)
- Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành Sớm bố trí đất tái định cư cho người dân (01.12.2020)
- Đấu giá 2 khu đất vàng được 2.855 tỷ đồng (01.12.2020)
- Đồng Nai Quy hoạch thêm nhiều KCN (17.07.2020)